Một số món đồ công nghệ đến từ "thế giới khác" của Sony

Một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực điện tử đồng thời cũng là tác giả của nhiều sản phẩm như thể đến từ thế giới khác. Ông lớn trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng này cũng có lịch sử dài "chơi đùa" với những món đồ công nghệ độc đáo mà có lẽ bạn chưa từng thấy ở đâu khác. Nhiều trong số chúng chẳng khác gì những thử nghiệm lẽ ra không bao giờ nên rời khỏi phòng thí nghiệm, trong khi số khác lại đi trước thời đại quá xa nên khó lòng được đón nhận.

1. Loa không dây lăn tròn Sony Rolly

Bạn được gì khi kết hợp máy nghe nhạc MP3 với loa tích hợp, robot tự động lăn tròn, và... một quả trứng? Xin chào Rolly, sản phẩm mà chẳng ai biết Sony tung ra để cạnh tranh với cái gì! Nó không lôi cuốn như chó robot Aibo, và với chỉ 6 thành phần di chuyển được, nó không làm được gì nhiều ngoài nhảy múa theo bất kỳ bài hát nào bạn đang phát và chiếu đèn đa sắc như vũ trường tại gia.

Rolly có bộ nhớ trong 2GB kèm mức giá 400 USD, và mặc cho được lập trình sẵn để biểu diễn bài Girlfriend của Avril Lavigne, vòng đời của nó quá ngắn ngủi, thậm chí không được xem là một trong những máy phát nhạc MP3 bị tiêu diệt bởi Apple iPod nữa!

2. Robot thú cưng Aibo ERS-220

Loạt robot thú cưng Aibo, không thể bàn cãi, là một dòng sản phẩm kỳ quặc đối với một công ty nổi tiếng về TV và máy cassette. Nhưng Aibo cũng là một trong những nỗ lực tham vọng bậc nhất từng được thực hiện để mang đến cho người tiêu dùng những người bạn đồng hành máy móc thường thấy trong phim khoa học viễn tưởng. Aibo được làm từ nhựa với các mô-tơ ồn ào, nhưng có thiết kế như những chú cún con đáng yêu giúp chúng trở nên thân thiện hơn, đến mức một số người Nhật đã tổ chức cả...tang lễ cho những chú robot này khi chúng ngừng hoạt động và không còn khả năng sửa chữa được nữa.

Ngoại trừ Sony Aibo ERS-220, vốn được Sony miêu tả là "robot chó tương lai". Nếu RoboCop có một người bạn đồng hành khi đi tuần tra, nó hẳn sẽ trông như ERS-220. Với đèn LED đỏ và xanh dương trên đầu (đèn LED đỏ sẽ nhấp nháy khi ESR-220 tức giận) và đèn chiếu điểm trên đỉnh đầu có thể trồi lên trong một số tình huống, con Aibo này rõ ràng phù hợp để mang ra chiến trường hơn là làm bạn với trẻ em trong gia đình.

3. Sony eVilla

Có lẽ số người nhớ đến eVilla chỉ đếm trên đầu ngón tay, và có lý do chính đáng giải thích cho việc đó. Thiết bị gia dụng internet (thuật ngữ cũ để chỉ các máy tính tối giản được thiết kế phục vụ các tác vụ liên quan internet) hẩm hiu này được phát triển trong một năm rưỡi. Nó ra mắt thị trường vào ngày 14/6/2001 và ngừng bán vào ngày 13/9/2001, tức chỉ 3 tháng sau đó.

Nhờ màn hình CRT dạng đứng rộng 15-inch, eVilla khá nổi bật nếu xét về ngoại hình, nhưng việc sở hữu vi xử lý 266 MHz, RAM 64MB và không có bộ nhớ trong (có khe cắm thẻ nhớ MemoryStick) đã khiến người dùng "chột dạ" khi nhìn vào mức giá 500 USD của nó. Đáng nói hơn nữa, những chức năng vốn hạn chế của eVilla - chỉ để đọc email và lướt web - lại đòi hỏi người tiêu dùng phải trả thêm một khoản phí 22USD/tháng mới sử dụng được, và cuối cùng Sony đã phải hoàn lại tiền cho 150.000 người tiêu dùng đã bỏ tiền ra mua thiết bị ngớ ngẩn này.

 

4. Máy tạo mùi hương tinh dầu di động

Đặt chân vào thị trường nến thơm đầy màu mỡ, thiết bị mang tên Aromastic Mobile Scent Dispenser của Sony thực sự là một "siêu phẩm". Thay vì đợi mùi hương tinh dầu phảng phất trong không khí từ từ tìm đến bạn, thiết bị cầm tay này sẽ trực tiếp "bắn" vào người dùng 1 trong 5 loại tinh dầu khác nhau được đặt trong những ống tinh dầu có thể tháo ra thay thế được.

Aromastic được kỳ vọng sẽ là lựa chọn của dân văn phòng trong những ngày làm việc căng thẳng khi mang đến cho họ một liệu pháp tinh dầu nhanh - gọn - lẹ, nhưng điều Sony không nghĩ đến là: thiết bị của họ liệu có cửa trước một tách cafe thơm nức mũi vốn luôn có sẵn trong mọi văn phòng?

5. Camera smartphone Sony Cybershot DSC-QX10 và QX100

Tám năm trước, khả năng nhiếp ảnh của smartphone vẫn kém xa so với máy ảnh DSLR và MRL, nhưng để những chiếc máy ảnh cồng kềnh ở nhà và chỉ dựa vào smartphone để chụp ảnh vẫn là một điều gì đó rất đáng mơ ước đối với nhiều người - và Sony đã tìm cách biến giấc mơ đó thành hiện thực với Cybershot DSC-QX10 và QX100. Cả hai đều là những camera độc lập. Mẫu QX100 giá 500 USD có cảm biến 1-inch, còn QX10 giá 250 USD có cảm biến 1/2.3-inch; các thành phần như màn trập, nút zoom, và ống kính được tích hợp vào trong một lớp vỏ trông như hộp súp vậy.

Bạn có thể sử dụng QX10 và QX100 để chụp ảnh mà không cần thêm bất kỳ thứ gì, nhưng mọi chuyện sẽ hơi khó khăn một chút vì chúng thiếu màn hình LCD để canh góc. Đó là lúc smartphone vào cuộc. Cả hai camera đều có thể kẹp vào thiết bị di động của bạn, và nhờ một ứng dụng kết nối qua wifi, smartphone sẽ không chỉ trở thành màn hình của camera mà còn có thể truy cập đến mọi bức ảnh đã được chụp để dễ dàng chia sẻ chúng cho người khác. Hai chiếc camera này hiển nhiên cải thiện đáng kể khả năng nhiếp ảnh của bất kỳ thiết bị di động nào kết nối với chúng, nhưng suy cho cùng, chúng vẫn là những món phụ kiện quá cồng kềnh để mang đi khắp nơi.

6. Thiết bị nhắn tin tức thời Sony Mylo

Đừng nhầm Sony Mylo (viết tắt của My Life Online) với một chiếc điện thoại di động chuyên nhắn tin như T-Mobile Sidekick. Mylo, đầu tiên và trước hết, là một máy phát đa phương tiện (video và MP3), nhưng được trang bị kết nối wifi cùng một màn hình trượt lên để lộ ra bàn phím QWERTY hoàn chỉnh. Tuy nhiên, không như Sidekick, nó không hề có kết nối di động, và vào năm 2006, các điểm kết nối wifi cũng chưa phổ biến cho lắm.

Nếu bạn may mắn tìm được nơi để kết nối internet, thì chiếc Mylo giá 350 USD có thể được dùng để chat qua Google Talk và Yahoo Messenger, lướt web bằng trình duyệt Opera, và thậm chí là gọi điện VoIP bằng Skype. Không đòi hỏi phải đăng ký gói cước dữ liệu di động để sử dụng các chức năng trên là một lý do khá hấp dẫn để chọn mua Mylo, nhưng sau 4 năm trên thị trường, Sony đã phải âm thầm đưa món đồ công nghệ này vào nghĩa trang u buồn của mình.

7. Thiết bị nhận diện bài hát Sony eMarker

eMarker, giá 20 USD, có thể xem là ông tổ của các ứng dụng nhận diện nhạc như Shazam và SoundHound. Món đồ công nghệ này giúp người dùng tìm ra tên của bài hát mà họ nghe được trên sóng radio, nhưng không cần kết nối internet di động, microphone, hay AI. Thay vào đó, bạn nhấn một nút bấm trên thiết bị, và khi kết nối nó với máy tính qua cổng USB, ứng dụng đi kèm sẽ dựa trên vị trí của bạn để liệt kê ra danh sách những bài hát được phát trên các đài radio địa phương vào thời điểm bạn nhấn nút trước đó.

Quả là một giải pháp thông minh vào những năm 2000, nhưng thậm chí 21 năm sau đó, việc giới hạn chỉ cho phép người dùng dò tìm 10 bài hát một lần trước khi phải đồng bộ thiết bị với máy tính thực sự là một quy định ngớ ngẩn - rõ ràng mọi thứ mà eMarker lưu trữ chỉ là dữ liệu về thời gian thôi mà?

Nguồn Việt báo