Thông số kỹ thuật
Bộ xử lý Intel Pentium N3700 2.4Ghz Quad Core, 6W TDP. Có 1x DDR3L SODIMMs 1.35V bus 1333/1600, tối đa 8GB. Đồ họa HD530 Intel Graphics. 01 cổng HDMI* 1.4a, 01 cổng HDB15 VGA. Kết nối mạng LAN Intel Pro 10/100/1000 Mbps. Intel Wirless-AC 7265 M.2 2230 tích hợp, ăng ten không dây (IEEE 802,11ac, Bluetooth* 4). Âm thanh vòm lên đến 7.1 thông qua HDMI . Ổ cứng chuẩn 2.5” HDD/SSD SATA3. Cổng kết nối thiết bị ngoại vi 2 cổng USB 3.0 ở mặt sau, 02 cổng USB 3.0 mặt trước (1 đầu có thể sạc). Adapter 19V, 65W AC-DC Power Adapter. Kich thước: 115mm x 111mm x 51.6 mm
Thông tin chi tiết
Intel NUC (Next Unit of Computing) là một chiếc máy tính cỡ nhỏ ( mini PC) và cũng là một nền tảng máy tính cho phép chúng ta tùy biến để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Trong bài này, mình sẽ giới thiệu cho các bạn phiên bản mới nhất NUC5PPYH và tận dụng những phần cứng có sẵn, mình cũng thử đánh giá hiệu năng của chiếc mini PC này. Giá bán của sản phẩm là 5,5 triệu đồng.
Thiết kế:
Trải qua nhiều phiên bản thì thiết kế của NUC đời mới vẫn không khác nhiều so với thế hệ đầu tiên được ra mắt. Vẫn là một khối hộp vuông vức với chỉ 2 màu sắc xám và đen. Phần khung bao quanh và mặt trên được làm bằng nhựa, trên đen bóng, xung quanh nhụ bạc, nhựa dày trông rất giống nhôm, tăng tính thẩm mỹ cho NUC khi đặt trên bàn làm việc hay trong phòng khách.
Nắp trên máy bạn có thể tháo ra được, mặc dù không can thiệp được nhiều thứ khi tháo nắp trên ra nhưng bạn có thể tùy biến phần nắp này. Hiện tại NUC là một trong những mini PC được người dùng độ lại nhiều nhất với đủ các thể loại vỏ, hộp và nhiều chất liệu khác nhau. Một điều cần lưu ý là nắp nhựa bóng theo máy khá dễ trầy.
Ngoài ra, một điều mình nói thiếu trong video là chúng ta cũng có thể thêm những kết nối mở rộng từ phần trên của máy. Theo Intel các thế hệ NUC gồm Rock Canyon (NUC5xxRYx), Maple Canyon (NUC5xxMYxE) và Pinnacle Canyon (NUC5CPYH/5PPYH) có phần nắp tháo được để chúng ta có thể nâng cấp những chiếc nắp chức năng (Functional lid). Dựa trên schematic mà Intel cung cấp thì chiếc NUC5PPYH này có thể gắn thêm mạch NFC và hub 2 cổng USB 2.0 nữa qua một socket tích hợp sẵn trên bo mạch.
Riêng nắp dưới được làm bằng kim loại để tăng độ bền cho máy. Ngoài ra, phần nắp kim loại này cũng gắn liền với khay ổ cứng, do đó khi gắn thêm ổ cứng vào thì đáy máy sẽ nặng hơn, tạo độ ì khiến máy không bị trượt đi khi chúng ta cắm nhiều dây nhợ. Trọng lượng của NUC5PPYH khi chưa lắp thành phần còn thiếu khoảng 850 g. Khi lắp thêm ổ cứng HDD (115 g) và RAM (~ 8,5 g) thì tổng trọng lượng của hệ thống khoảng 1 kg.
Mặc dù có kích thước rất nhỏ gọn, nhỏ hơn cả chiếc mini PC Acer Revo One mà mình vừa đánh giá hôm trước nhưng NUC5PPYH được tích hợp còn nhiều cổng kết nối tiêu chuẩn hơn và mới hơn.
Tại mặt trước gồm 2 cổng USB 3.0 và jack âm thanh 3,5 mm 2 trong 1. Với cổng màu vàng, bạn có thể cắm sạc thiết bị di động với đầu ra 1,5 A.
Tại mặt sau có thêm 2 cổng USB 3.0 nữa, cổng LAN, HDMI 1.4a, VGA và jack âm thanh quang học TOSLINK.
Bên hông là các khe lưu thông luồng khí và một khe cắm thẻ nhớ SD.
Từ những trang bị trên, có thể thấy Intel muốn mở rộng phạm vi sử dụng của chiếc mini PC này. Nhiều cổng USB tốc độ cao đáp ứng nhu cầu làm việc cũng như kết nối với các thiết bị ngoại vi và ổ cứng ngoài. Việc vẫn giữ lại cổng VGA song song với HDMI cho phép NUC5PPYH có thể dùng như một nguồn phát nội dung, có thể dùng HDMI cho TV hoặc VGA cho máy chiếu, màn hình ngoài … Thêm nữa với cổng âm thanh quang học TOSLINK thì NUC5PPYH còn có thể đáp ứng nhu cầu giải trí cao cấp khi cho phép người dùng kết nối với các dàn âm thanh chất lượng cao.
Lắp ráp và nâng cấp:
NUC làm một chiếc mini PC dạng barebone, nó còn thiếu RAM và ổ cứng hay chính xác là những thành phần mà Intel không tự sản xuất. Do đó, bạn sẽ phải tự lắp thêm RAM và ổ cứng cho máy. Việc lắp đặt và nâng cấp cho Intel NUC rất đơn giản, tháo 4 con ốc dưới đáy và nhấc nhẹ nắp kim loại lên là bạn đã có thể thấy khay ổ cứng 2.5" và khe RAM.
Bạn có thể tận dụng RAM, ổ cứng cũ, cần lưu ý là loại RAM tương thích phải là DRR3L SODIMM 1,35 V, dung lượng tối đa 8 GB. Còn về phần ổ cứng thì chúng ta sẽ dùng ổ 2.5" HDD hoặc SSD, cũ mới gì cũng được.
Trong bài kiểm tra về hiệu năng, mình dùng một ổ Hitachi lấy ra từ HP 6910p đời 2008 dùng giao tiếp SATA I (băng thông 1,5 Gb/s) và một thanh RAM Kingston 4 GB DDR3L đúng chuẩn. Mục tiêu của mình là với những phần cứng sẵn có, NUC sẽ mang lại hiệu năng tới đâu, có thể làm được gì.
Cấu hình sau khi lắp ổ cứng và RAM như sau:
- CPU: Intel Pentium N3700 (Braswell), 4 lõi, 4 luồng, tốc độ 1,6 > 2,4 GHz, 2 MB Cache, TDP 6 W;
- GPU: Intel HD Graphics, 400 > 700 MHz, 16 đơn vị thực thi (EU);
- RAM: Kingston KVR16LS11/4 4 GB DDR3L 1600 MHz;
- HDD: Hitachi Travelstar HTS722012K9SA00 7200 rpm 120 GB SATA I;
- Kết nối không dây: Intel Wireless-AC 3165 M.2 2230 802.11ac + Bluetooth 4.0;
- OS: Windows 10 Home 64-bit.
Thử nghiệm hiệu năng:
Với PCMark 7 và PCMark 8, NUC đạt điểm số khá cao so với các mẫu máy tính dùng vi xử lý cùng phân khúc, ở đây mình chọn so với những chiếc máy tính laptop chạy Celeron và cả một chiếc mini PC vừa đánh giá gần đây là Acer Revo One. Ổ cứng chậm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu năng tổng thể nên bạn có thể thấy so với 2 mẫu máy dùng SSD là Sony Vaio Fit multi-flip và Acer Aspire ES1, điểm số của NUC thua khá nhiều với bài test PCMark 7.
Thế mạnh của NUC5PPYH hiển nhiên là con CPU mới nhất so với các mẫu máy còn lại. Intel Pentium N3700 là một con SoC lõi tứ, xung nhịp tối đa 2,4 GHz và được phát triển trên nền tảng Braswell, 14 nm. Để bạn dễ hình dung thì Braswell là SoC được Intel hướng đến PC còn Cherry Trail SoC sẽ dùng trên máy tính bảng. Cả 2 nền tảng chip này đều được phát triển trên kiến trúc Airmont - phiên bản thu nhỏ của Silvermont và nhờ tiến trình 14 nm, N3700 có thể khai thác tốt hơn công nghệ đẩy xung Burst Frequency (tương tự Turbo Boost trên dòng Core i).
Vì vậy, chuyển sang bài test PCMark 8, điểm số theo nội dung của NUC lại cao hơn. Ở cái nội dung Home với các tác vụ thường nhật thì điểm số của N3700 trên NUC và N3050 trên Acer Aspire ES1 gần như tương đương nhau, cả 2 con CPU này đều được phát triển trên kiến trúc Airmont. Khác biệt lớn nhất là nội dung Creative với các tác vụ sản xuất nội dung. NUC và Acer Aspire ES1 đều nắm vị trí dẫn đầu bởi cả 2 đều được tích hợp GPU mới với nhiều đơn vị thực thi hơn: 16 EU trên N3700 và 12 EU trên N3050. Riêng về nội dung Work với nhiều tác vụ làm việc được mở cùng lúc thì NUC với sự bất lợi về ổ cứng cho điểm số chỉ ngang ngửa với nhiều mẫu máy dùng ổ 5400 rpm.
Qua kết quả benchmark, có thể thấy hiệu năng của NUC sẽ còn cao hơn nữa nếu chúng ta đầu tư phần cứng mới, chẳng hạn như RAM 8 GB hay ổ SSD. Nếu lắp những thành phần này vào NUC và cho chạy lại các bài test thì mình tin rằng NUC5PPYH dư sức đánh bại tất cả các mẫu máy trong bảng so sánh này.
Thử nghiệm hiệu năng đồ họa của NUC5PPYH với 2 công cụ 3DMark 11 và 3DMark 13 và kết quả là GPU HD Graphics trên con Pentium N3700 thắng áp đảo các mẫu máy còn lại nhờ sở hữu nhiều đơn vị thực thi nhất. Bạn có thể thấy rõ điều này trong 2 nội dung test 3DMark 13 Ice Storm và Cloud Gate. Ngoài ra, điều khiến mình bất ngờ nữa là nó đủ khỏe để hoàn thành các bài test còn lại như Fire Strike với 270 điểm và SkyDiver với 1365 điểm. Nhiều chiếc máy chạy Celeron hay Pentium trước đây không thể hoàn thành bài test nặng như Fire Strike. Riêng với bài test 3DMark 11 thì điểm số của NUC chỉ thua 1 chút so với Acer Revo One bởi con 2957U sở hữu con GPU có xung nhịp cao nhất, lên đến 1 GHz và luôn chạy ở tốc độ này.
Những con số trên phản ánh chính xác những trải nghiệm thực tế của mình trên chiếc NUC với thiết lập này. Ổ cứng khá chậm ảnh hưởng đến tốc độ khởi chạy ứng dụng nhưng khả nawg xử lý đa nhiệm khá tốt nhờ 4 lõi xử lý. Bên cạnh đó năng lực đồ họa của con Pentium N3700 rất đáng khen. Theo yêu cầu của nhiều anh em, mình đã thử chơi Liên Minh trên chiếc NUC này và kết quả chơi rất ngọt. Tuy nhiên, điều mình tiếc là máy chỉ có 1 khe RAM nên mặc dù Pentium N3700 hỗ trợ chạy kênh đôi nhưng giới hạn 1 khe RAM khiến chúng ta không thể tối ưu hiệu năng.
Kết nối với TV? Điều cần lưu ý là NUC5PPYH chỉ được tích hợp cổng HDMI 1.4 thay vì 2.0, cũng không có cổng DisplayPort. Do đó, khi xuất 4K - độ phân giải tối đa mà NUC có thể hỗ trợ thì tốc độ làm tươi giới hạn ở 30 Hz. Những nội dung Full HD 1080p không thành vấn đề đối với NUC.
Lời kết:
Intel NUC5PPYH là một chiếc mini PC đa năng và sức mạnh xử lý của nó tùy thuộc vào phần cứng mà bạn trang bị. Bản thân con Pentium N3700 là một sự cải tiến rất đáng giá với xung nhịp xử lý cao hơn, đa nhiệm tốt hơn và năng lực dồ họa tốt hơn so với các phiên bản NUC dùng Celeron trước đây.
Là một chiếc mini PC thiết kế mở, bạn có thể dùng NUC cho nhiều mục đích khác nhau. Nếu dùng nó như một chiếc máy tính thì NUC5PPYH có thể đáp ứng nhu cầu làm việc văn phòng và giải trí cơ bản. Thậm chí bạn có thể chơi được nhiều game online nhẹ trên chiếc máy này. Nếu dùng như một hệ thống giải trí cho TV thì NUC có thể chơi được nội dung 4K không quá khó khăn và việc nâng cấp ổ cứng để mở rộng dung lượng lưu trữ cũng rất dễ dàng. Ngoài ra, NUC còn có thể được dùng cho nhiều mục đích khác, chẳng hạn như gắn sau màn hình trình chiếu nội dung quảng cáo, hệ thống tương tác mua sắm v.v… tùy theo phần mềm và thiết lập.
Thử đặt ra một cấu hình khá để chúng ta sử dụng NUC5PPYH làm việc, bạn có thể gắn:
- 1 thanh RAM 4 GB DRR3L của Kingston/Crucial hoặc Corsair với giá từ 500 - 700 ngàn VND tùy thương hiệu
- 1 ổ cứng SSD dung lượng 120- 128 GB giá từ 1 - 1,4 triệu VND tùy thương hiệu.
Như vậy tổng chi phí cho hệ thống tối thiểu vào khoảng 7 triệu.
Nếu dùng NUC5PPYH làm HTPC gắn vào TV giải trí, bạn có thể trang bị:
- 1 thanh RAM 4 GB DRR3L tương tự như trên giá từ 500 - 700 ngàn VND tùy thương hiệu;
- 1 ổ cứng 2.5" dung lượng 1 TB giá từ 1 - 1,7 triệu VND tùy thương hiệu.
Như vậy tổng chi phí cho một chiếc HTPC tối thiểu cũng vào khoảng 7 triệu.
Nếu bạn tận dụng được RAM, ổ cứng cũ từ máy tính hỏng hoặc mua hàng second hand thì chi phí đầu tư sẽ còn giảm nữa. Tùy theo nhu cầu sử dụng mà bạn có thể tính toán trang bị cho NUC. Bên cạnh những ưu điểm về vi xử lý, thiết kế, "thừa thải" cổng kết nối thì NUC5PPYH cũng có một vài nhược điểm mà mình hy vọng là Intel sẽ cải tiến trong các thế hệ NUC tiếp theo:
Ưu điểm:
- Thiết kế đẹp, gọn, chắc chắn;
- Đầy đủ cổng kết nối full-size;
- CPU/GPU hiệu năng khá, phát được nội dung 4K;
- Dễ nâng cấp, tùy biến;
- Giá khá mềm.
Nhược điểm:
- Chỉ dùng được RAM DDR3L 1,35 V và cũng chỉ có 1 khe RAM nên không thể chạy Dual-Channel;
- Vẫn dùng quạt tản nhiệt mặc dù chip Braswell TDP 6 W có thể dùng thiết kế fanless, do đó thiết kế máy dày và nặng hơn.