Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện phải nghiên cứu quy hoạch tần số để sớm triển khai thử nghiệm công nghệ 5G.
Theo thông báo kết luận của Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 8 năm 2018, Cục Tần số Vô tuyến điện phải nghiên cứu quy hoạch tần số để sớm triển khai thử nghiệm công nghệ 5G và báo cáo vấn đề này trong quý IV/2018.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2.6GHz cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G bởi thực tế việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ. Theo thống kê thì tốc độ mạng 4G tại Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới.
Mới đây, MobiFone cũng đề xuất muốn được thử nghiệm 5G. Đại diện Viettel cũng bày tỏ mong muốn sẽ được sớm cấp phép 5G. Ông Phùng Văn Cường, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết, đến thời điểm này Việt Nam có hạ tầng cáp quang mạnh phủ đến tận gia đình, xóm, xã. Việt Nam là nước triển khai 4G chậm, nhưng chỉ trong 6 tháng sau khi được cấp phép, Viettel đã triển khai được 40.000 trạm thu phát sóng và phủ sóng 4G toàn quốc. Ông Phùng Văn Cường cho biết, đối với công nghệ 5G, Viettel muốn phát triển sớm vào năm 2020. Tuy nhiên, việc thực thi như thế nào còn phụ thuộc vào chiến lược của Bộ TT&TT.
Bình luận về việc triển khai 5G, ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ của Qualcomm cho hay, chúng ta đang sống trong thời đại 4G LTE và sắp tới sẽ còn nhiều công nghệ tiên tiến hơn. Việt Nam đã phủ sóng LTE trên phạm vi toàn quốc, điều đó góp phần tăng cường nhu cầu cũng như mức độ sử dụng dữ liệu. Khi nhu cầu và mức độ sử dụng dữ liệu tăng trưởng đến một mức độ nhất định, sẽ xuất hiện nhu cầu mới về băng thông, đó là lý do chúng ta sẽ có 5G.
Ông Sudeepto Roy, Phó Chủ tịch Kỹ thuật của Qualcomm cho rằng, công nghệ không dây đã phổ biến ở tất cả mọi nơi, do đó công nghệ điện toán không dây cũng trở nên phổ biến. Việt Nam có dân số xấp xỉ 100 triệu người, mỗi người hiện có thể sở hữu 2 thiết bị không dây. Trong vòng 5 năm tới, mỗi người có thể không chỉ sở hữu 2 thiết bị mà có thể lên đến 10 thiết bị được kết nối. Theo dự báo, sẽ có hàng tỷ thiết bị được kết nối trong tương lai. Với dân số Việt Nam, số lượng thiết bị được kết nối cũng sẽ rất lớn. Cuộc sống con người trong tương lai sẽ phụ thuộc vào thiết bị cũng như kết nối. Tất cả các thiết bị theo dõi sức khỏe, đo nhịp tim hay xe hơi, các thiết bị truyền thông trọng yếu đều phải có kết nối đáng tin cậy để đảm bảo tính riêng tư, bảo mật của thông tin. Do đó, các thiết bị sản xuất tại Việt Nam có vai trò rất quan trọng, vì chúng ta có thể làm chủ hoàn toàn về các yếu tố riêng tư, bảo mật, độ tin cậy cũng như chất lượng của kết nối.
Bình luận về thông tin của Cục Tần số rằng đến năm 2019 Việt Nam sẽ bắt đầu quy hoạch băng tần cho 5G, ông Jim Cathey nhận định rằng, không bao giờ là quá sớm để hoạch định tương lai và thực hiện quy hoạch. Việc lập kế hoạch sớm giúp thiết lập những nền tảng cần thiết cho các công nghệ tương lai. Triển khai 5G càng được chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc thực thi trong thực tế càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn, không chỉ cho thị trường trong nước, mà có thể tạo ra những mô hình có khả năng nhân rộng ra nước ngoài.
Bình luận về việc triển khai 5G ở Việt Nam, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho hay: “Chúng tôi tin chắc rằng các quốc gia tiên phong trên con đường 5G sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu do quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đa ngành của họ được đẩy mạnh hơn. Các ngành công nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ 5G chính là những ngành có thể tận dụng tốc độ cao, độ trễ thấp, độ tin cậy cực cao của 5G nhằm tăng hiệu quả, cải thiện về chất lượng và sự an toàn, hay tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ sáng tạo. 2018 cũng là năm 5G sẽ ra mắt thị trường toàn cầu và triển khai IoT di động trên quy mô lớn được giới thiệu. Việt Nam có thể sẽ triển khai 5G vào năm 2021. Những công nghệ này hứa hẹn khả năng mới có tác động lớn đến cuộc sống con người, đồng thời biến đổi các ngành công nghiệp. Sự thay đổi sẽ chỉ diễn ra khi những nhà chức trách và đầu ngành nỗ lực đi đến thống nhất về băng tần, tiêu chuẩn và công nghệ phù hợp”, ông Denis cho biết.
Báo cáo Thương mại về Tiềm năng 5G của Ericsson ước tính các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam sẽ có cơ hội đạt thêm 3,17 tỉ USD doanh thu khi sử dụng công nghệ 5G để giải quyết vấn đề số hóa ngành công nghiệp. Cơ hội lớn nhất về doanh thu cho các nhà khai thác viễn thông trên công nghệ 5G nằm trong các lĩnh vực sản xuất và năng lượng tiện ích.
Còn bà Nguyễn Kim Dung, Tổng giám đốc Nokia Việt Nam cho rằng, 5G sẽ đem lại nguồn doanh thu mới cho nhà mạng và Việt Nam cần chuẩn bị những điều kiện để có thể thử nghiệm 5G vào năm 2020 và thương mại vào năm 2021 hoặc 2022.